Bật mí cẩm nang du lịch đảo Phú Quý Bình Thuận chi tiết nhất

Thứ tư - 16/06/2021 23:32
Nằm trơ trọi giữa đại dương bao la, Đảo Phú Quý Bình Thuận như một hòn ngọc xanh giữa biển khơi và là điểm đến du lịch không thể thiếu mỗi dịp hè về.

LỊCH SỬ ĐẢO PHÚ QUÝ


Đảo Phú Quý là một huyện đảo nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, bao gồm một đảo lớn và các đảo nhỏ xung quanh. Đảo có diện tích khoảng 18 Km2, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km về phía Đông Nam, cách TP. Vũng Tàu 200km về phía đông. Phú Quý được biết đến nhiều qua các sách sử với nhiều tên gọi khác nhau như Cù Lao Thu, Cổ Long (Kok Rong), Cù Lao Khoai Xứ,...Còn các nhà hàng hải phương Tây gọi nó là Poulo-Cécir-de-Mer (cù lao của biển) cùng tên họ với Cù Lao Câu là Poulo - Cecir-de-Terre (cù lao của đất). Tên gọi Phú Quý có lẽ xuất hiện từ thời vua Thiệu Trị trở đi khi ông ra chiếu chỉ đổi tên thành tổng Phú Quý, thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.
đảo phú quý
Vị trí đảo Phú Quý.
Ngay từ thuở sơ khai, các nhà khoa học đã phát hiện được dấu tích của người Thượng ở đây qua các mộ vò được khai quật trong quá trình đánh bắt hải sản. Cùng với sự tích công chúa Bàn Tranh, chứng tỏ người Chăm đã có mặt từ rất sớm. Theo dòng lịch sử, người Kinh cũng dần kéo ra đảo để trốn tránh cuộc nội chiến từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Thêm vào đó, với sự phát triển của kỹ thuật hàng hải, người Hoa trong quá trình đi ra thế giới cũng đặt chân lên đảo, một phần cũng là tránh khỏi sự truy sát của nhà Thanh của những người trong tổ chức phản Thanh phục Minh. Điều đó góp phần làm nên sự đa dạng trong văn hóa nơi hòn đảo biệt lập này.
lịch sử đảo phú quý
Toàn bộ hòn đảo nhìn từ trên cao.
Từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, đảo phân chia hành chính lên đến 14 làng và 1 ấp, đến thời vua Đồng Khánh (1886) sau quá trình sát nhập còn lại 11 làng và đến năm 1930 thì còn lại 9 làng. Vào ngày 24/7/1977, huyện đảo Phú Quý được chính thức thành lập bao gồm ba xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải trực thuộc tỉnh Thuận Hải cho đến khi tỉnh này tách thành Ninh Thuận và Bình Thuận vào 26/12/1991 thì đảo nằm dưới sự quản lý của tỉnh Bình Thuận. Chúng ta có thể kể tên một số hòn đảo thuộc huyện đảo Phú Quý như sau: Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Trứng nhỏ, Hòn Đen, Hòn Giữa, Hòn Bút Nghiên, Hòn Hải, Hòn Bố, Hòn Trào, Hòn Đá Tý,...
cù lao thu
Đảo đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Đến với Đảo Phú Quý Bình Thuận thì du khách sẽ mê mệt với cảnh đẹp thiên nhiên tươi đẹp, yên bình cùng với rất nhiều những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử mà chúng ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây.
 

ĐƯỜNG ĐI ĐẢO PHÚ QUÝ

 

ĐƯỜNG RA ĐẢO

Để đến được với đảo Phú Quý, trước tiên du khách cần di chuyển đến Phan Thiết, rồi sau đó đi tàu ra ra đảo. Từ TPHCM, du khách đi theo quốc lộ 1A hướng ra Bình Thuận khoảng 3 tiếng đồng hồ, đến địa phận thành phố Phan Thiết giao với đường Hải Thượng Lãn Ông thì rẽ vào, tiếp tục đi thẳng hết đường (băng qua Trần Hưng Đạo) thì gặp bến tàu khách Phan Thiết, từ đây bạn mua vé và bắt đầu chuyến hành trình ra đảo. Hiện nay, tuyến tàu biển này có 4 chiếc tàu thường, 1 tàu tầm trung và 1 chiếc tàu cao tốc với thời gian chạy trung bình lần lượt khoảng 6 tiếng, 3,5 tiếng và 3 tiếng. Tùy theo điều kiện thời tiết trên biển mà tàu có thể chạy hoặc không.
đường đi đảo phú quý
Đi ra đảo bằng tàu cao tốc.

ĐI LẠI TRÊN ĐẢO

Để khám phá hết hòn đảo xinh đẹp này thì không gì phù hợp hơn một chiếc xe máy. Trên đảo các nhà nghỉ, homestay hay thậm chí cả người dân đều có dịch vụ cho thuê xe, bạn có thể dễ dàng book một chiếc xe và thoải mái tận hưởng cảm giác sung sướng được phượt khắp đảo, bon bon trên chiếc xe nho nhỏ cùng với hội bạn thân hay gia đình. Chỉ có một điều cần lưu ý là bạn hãy đội mũ bảo hiểm và chấp hành luật giao thông nhé, mặc dù giao thông chưa phát triển nhưng người dân ở đây vẫn rất tôn trọng luật lệ. Nếu đi theo nhóm nhiều người, bạn nên thuê một chiếc thuyền để tham quan một vòng và ngắm nhìn đảo từ biển, cũng hấp dẫn không kém như trên đất liền đâu nhé.
đảo phú quý bình thuận
Chỉ cần thuê một chiếc xe là bạn có thể vi vu khắp đảo rồi.

CÁC ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG

 

CỘT CỜ PHÚ QUÝ

Là mốc đánh dấu chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc được khởi công xây dựng vào năm 7/6/2015 trên diện tích khoảng 200 m2 tại mỏm Đông đồi Chuối, nhìn xuống bãi biển Gành Hang, là một trong bảy cột cờ nằm trong chương trình xây dựng cột cờ chủ quyền tại các đảo tiền tiêu trải dọc theo đất nước. Đây là địa điểm ngắm bình minh mà dân phượt rất ưa chuộng mỗi khi du lịch đảo Phú Quý. Nhìn từ cột cờ có thể chiêm ngưỡng toàn bộ Ghành Hang với nhiều bãi đá hòa quyện với sóng vỗ một cách ngoạn mục.
cột cờ phú quý
Cột cờ khẳng định chủ quyền trên đảo.

MIẾU BÀ CHÚA

Miếu Bà Chúa hay đền thờ công chúa Bàn Tranh do người Chăm xây dựng trên đảo vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI để thờ công chúa Bàn Tranh - người đã có công khai khẩn và lập nên hòn đảo này. Tương truyền vì không nghe lời vua cha nên bị lưu đày ra đảo. Ở đây bà cùng một số tùy tùng gieo trồng, thành làng lập xóm, chỉ dạy người dân làm nghề, trồng dâu nuôi tằm, thêu dệt,...
Miếu đã được tu sửa lại nên không còn nguyên trạng như xưa. Có đại môn hoành tráng và 3 gian thờ đồ sộ sơn son thếp vàng, còn một số di vật linh thiêng như: Bài vị, bệ thờ, liên đối, hoành phi ca ngợi công đức của công chúa. Hằng năm cứ vào ngày mùng 3 tháng giêng, người dân lại nô nức trẩy hội miếu Bà Chúa theo thứ tự luân phiên mỗi năm một làng tổ chức.
đền thờ công chúa bàn tranh
Đền thờ công chúa bàn tranh.

MỘ THẦY

Cách không xa Miếu Bà Chúa là Mộ Thầy - tiêu biểu cho sự hòa trộn và giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt và Hoa. Mộ Thầy được xây dựng vào thế kỷ XVII thờ vị thầy địa lý người Hoa có công giúp người dân trên đảo. Theo truyền thuyết người dân kể lại thì Thầy Nại vốn là người Hoa, là thương nhân đồng thời cũng là một thầy thuốc giỏi ghé lại đảo trong một trận bão. Gặp công chúa Bàn Tranh và kết nghĩa chị em, từ đó hành nghề chữa bệnh giúp dân. Nhận thấy đây là một vùng đất địa linh nên có ý được chôn tại đây sau khi mất. Vì thế khi qua đời ông được táng ở đây và người dân đắp khu mộ để tưởng nhớ ông vào năm 1665. Mộ cách xa khu dân cư, nằm trên vách đá có tầm nhìn xuống biển với cảnh sắc hùng vỹ, những con sóng ập vào liên hồi, lúc thì nhẹ nhàng những có lúc lại dữ dội như đôi lứa yêu nhau.
mộ thầy phú quý
Mộ Thầy nằm cách khá xa so với khu dân cư.
Một địa điểm gần Mộ Thầy chính là khu lô cốt được xây dựng từ thời Pháp Thuộc, nay đã bỏ hoang và không dùng đến nhưng vô tình lại trở thành điểm checkin hot của các netizen. Nhiều bạn trẻ đã đặt cho nó một cái tên rất mỹ miều là "tiểu Vạn Lý Trường Thành" của Phú Quý. Nếu có cơ hội hãy ghé qua nơi này bạn nhé.
địa điểm du lịch bình thuận
Còn đây là tiểu "Vạn Lý Trường Thành" của đảo Phú Quý.

HẢI ĐĂNG PHÚ QUÝ

Ngọn Hải Đăng có vị trí cao nhất trên đảo Phú Quý với 108m so với mực nước biển, cách cảng khoảng 3km về phía Tây. Tháp nằm trên đỉnh núi Cấm, có chiều cao 126m, rộng 4m, thiết kế theo hình hộp chữ nhật. Phía dưới là nhà trạm sơn màu vàng nhạt làm nổi bật lên phần tháp màu đen sẫm. Nhiều du khách thường đùa rằng đây là con mắt thần của đảo. Quả thật, là điểm cao nhất đảo nên từ đây ta có thể ngắm toàn bộ vùng đất nên thơ hữu tình này, từ những cơn sóng, bãi biển, ghềnh đá, hàng cây đến cả những chiếc thuyền xa xa ngoài khơi. Trải qua hơn 25 năm hoạt động, Hải Đăng Phú Quý không chỉ là con mắt điều hướng hoạt động của tàu thuyền mà còn là sự khẳng định chủ quyền của tổ quốc.

Xem thêm: Đến Mũi Kê Gà khám phá ngọn Hải Đăng cổ nhất Việt Nam

hải đăng phú quý
Ngọn hải đăng Phú Quý.

NÚI CAO CÁT

Nằm ở phía Bắc của hòn đảo, núi Cao Cát được xem là biểu tượng linh thiêng trên đảo. Điều làm nên sự đặc biệt của núi này chính là những dãy núi có những con sóng hình thù kỳ lạ, uốn lượn, tưởng chừng như có ai đó cầm lấy cây bút và vẽ một đường lên đó vậy. Thực ra, đó là hoàn toàn là do quá trình phong hóa hàng triệu năm gây nên sự biến đổi địa hình tạo nên nét độc đáo cho núi Cao Cát. Sở dĩ người dân xem đây là một nơi linh thiêng bởi theo quan niệm phong thủy thì họ cho rằng đây chính là hiện thân của rồng biển với đỉnh núi là đầu kéo dài tới Mộ Thầy là phần đuôi, giúp trấn yểm long mạch cho vùng đất này. Thêm vào đó, đứng trên đỉnh núi, ta lại cảm nhận được cái sự bao la bát ngát và hùng vỹ của trời đất biển cả.
núi cao cát
Núi Cao Cát có hình dạng độc đáo qua quá trình phong hóa tự nhiên.

VỊNH TRIỀU DƯƠNG

Nằm ở phía nam của đảo, cách không xa cảng Phú Quý là Vịnh Triều Dương tuyệt đẹp, hoang sơ và trong lành tựa như nàng công chúa ngủ trong rừng đang đợi hoàng tử đến thức dậy. Chỉ kéo dài khoảng 2km nhưng bãi biển nơi đây thu hút rất đông khách du lịch bởi chưa bị tác động nhiều bởi các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Khung cảnh với những rặng đừa trĩu quả, những ghềnh đá sóng xô bạc đầu, xa xa là hàng dương xanh ngát, tất cả hòa quyện tạo nên nét chấm phá riêng biệt cho vịnh. Chiều đến là khoảng thời gian rất thích hợp để vui chơi dưới làn nước mát, ngắm hoàng hôn và quan sát hay thậm chí trải nghiệm công việc kéo lưới, lấy cá của ngư dân miền biển trong một không gian yên bình, xinh đẹp.
vịnh triều dương phú quý
Vịnh Triều Dương.

BÃI NHỎ GHÀNH HANG

Bãi Nhỏ Ghềnh Hang là một trong những địa chỉ được giới trẻ săn lùng nhất mỗi khi nhắc đến Phú Quý. Gành Hang được tạo thành từ những ghềnh đá đan xen, qua quá trình xâm thực của nước biển làm nên những kiểu địa hình vô cùng lạ mắt. Là nơi gặp gỡ của núi đồi và biển cả, có lẽ vì quá bất ngờ mà thiên nhiên tạo đã tác tạo nên những vách đá sừng sững tựa như bức trường thành chắn ngang, phía bên dưới là những con sóng xô bờ, khoét sâu vào bờ như muốn chiếm hữu tất cả.
bãi nhỏ gành hang
Bãi Nhỏ Gành Hang là nơi lý tưởng cho việc bơi lội.
Chính cuộc gặp gỡ vừa dữ dội và dịu êm đó góp phần hình thành cái mà người ta gọi vui là Hồ Vô Cực Phú Quý. Vũng nước trong vắt đến đáy, nằm biệt lập bên trong ghềnh, hai bên là những bức tường đá cao vút họa thành bức tranh sơn thủy hữu tình chốn biển cả.

Tour Cổ Thạch 2 ngày 1 đêm - Lửa trại, Teambuilding giá hấp dẫn

hồ vô cực phú quý
Sự đan xen hòa trộn giữa núi và biển tạo nên những hố trũng mà người ta gọi vui là Hồ Vô Cực.

PHONG ĐIỆN PHÚ QUÝ

Là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng của đảo, Phong điện là ba cái "cối xay gió" khổng lồ hướng ra biển khơi cung cấp điện năng cho toàn đảo với mỗi cái trung bình có chiều cao 60m và sải cánh lên đến 37m. Ngoài vai trò ấy, điện gió còn là điểm nhấn về mặt du lịch bởi phong cảnh hữu tình, một bên là biển, một bên là hàng dương xanh ngát. Đến đây ta mới cảm nhận được hết sự to lớn, hùng vỹ của công trình mang tầm chính yếu này.
phong điện phú quý
Ba cái "cối xay gió" chính là trái tim của vùng đảo.

VẠN AN THẠNH

Trong văn hóa người Việt, nếu Đình thể hiện cho thiết chế truyền thống của làng thì Vạn lại thể hiện cho thiết chế của những vùng ngư nghiệp. Vạn An Thạnh được xây dựng vào năm 1781 và đã trải qua nhiều lần tu bổ với mong muốn người dân có cuộc sống sung túc, ấm no. Kiến trúc của vạn hiện nay gồm chính điện để thờ "Ông" cùng các tiền hiền, hậu hiền là những người có công xây dựng đảo (Ông trong văn hóa miền biển để chỉ Cá Voi - được xem là vị thần cứu mạng người dân khi đi biển). Hiện nay An Thạnh còn lưu giữ bộ xương cá Voi dài 17m cùng nhiều bộ xương các loài cá khổng lồ khác. Đây cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách mỗi khi đến Phú Quý.
vạn an thạnh
Vạn An Thạnh thể hiện cho tín ngưỡng và văn hóa của miền biển.

CHÙA LINH QUANG

Chùa Linh Quang hay Linh Quang Tự tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, trong không gian yên tĩnh, trầm mặc. Ngôi Chùa cổ nhất trên các hòn đảo tại Việt Nam này được xây dựng từ năm 1747 với chỉ một ngôi nhà tranh đơn sơ dành cho các vị tu trì. Trải qua quá trình phát triển mới mang dáng vẻ hiện nay. Chùa theo lối kiến trúc phối hợp. Một quần thể các công trình kiến trúc dân gian đồ sộ với những hình khối vừa cổ kính vừa hiện đại lồng khớp giữa khung cảnh nên thơ có sức hấp dẫn mọi người. Nghệ thuật chạm khắc từ các pho tượng Phật đến các mảng đề tài trang trí vừa mềm mại khéo léo, vừa sống động thể hiện sự huyền ảo trong cõi bồng lai.
chùa linh quang phú quý
Chùa Linh Quang.

HÒN TRANH

Là hòn đảo lớn nhất trong số các đảo nhỏ quanh Phú Quý, Hòn Tranh hiện lên với vẻ đẹp nên thơ trữ tình và đầy hoang sơ. Tham quan Hòn Tranh du khách có thể ghé thăm Đền thờ quận công Bùi Huy Ích - Miếu Trân Bắc, Vạn thờ thần Nam Hải. Đặc biệt nước biển ở đây rất trong, có bãi cát phẳng, dài, rặng san hô nhiều màu sắc và không khí hết sức trong lành.
hòn tranh
Khung cảnh khá thơ mộng nhìn từ Hòn Tranh.

ĂN UỐNG TRÊN ĐẢO PHÚ QUÝ


Đi Phú Quý mà không thưởng thức đặc sản miền biển thì thật là thiệt thòi. Ẩm thực Phú Quý mang phong vị của biển cả, là kết tinh của thiên nhiên đất trời. Món ăn ở đây không cần chế biến quá cầu kỳ cũng đủ làm say lòng bất cứ ai đã lỡ....thưởng thức.
cua huỳnh đế
Đặc sản tiến vua - Cua Huỳnh Đế.
cua mặt trăng
Cua Mặt Trăng độc đáo.
Từ món cua huỳnh đế thơm ngon, thịt dai, càng to, bộ giáp dày, chỉ chuyên dành cho vua chúa, đến món cua mặt trăng độc đáo, có những chấm lớn trên vỏ như hình mặt trăng và ngon nhất khi đánh bắt vào lúc đêm trăng. Từ món Tôm hùm nức mũi thịt săn, ngọt, mềm cho đến cá Thu đặc sản ở cù lao mang tên loài cá này, được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, mà ngon nhất chính là chả cá Thu. Cộng thêm món Bò Nóng độc lạ ở xứ biển tươi ngon, chọn và chế biến ngay tại chỗ, hương vị tuyệt vời hơn cả trong đất liền. Tất cả những món ngon trên cộng hưởng làm nên hương vị ẩm thực khó cưỡng mà bất cứ du khách nào cũng không quên được khi bước chân rời khỏi đảo.
ăn uống trên đảo phú quý
Cá Thu Phú Quý nổi tiếng và được chế biến thành nhiều kiểu khác nhau.
Bài viết hay: Đến Bình Thuận đừng bỏ lỡ những đặc sản này

 

LƯU TRÚ TẠI ĐẢO PHÚ QUÝ

Trên đảo tuy không có nhiều khách sạn hạng sang nhưng nhà nghỉ hay homestay bình dân cũng đủ để bạn có được những trải nghiệm thú vị tại đảo. Theo trải nghiệm thực tế thì các dịch vụ lưu trú ở đây hầu đa đều rất chất lượng, có tầm nhìn đẹp, đầy đủ tiện nghi, giá bình dân lại còn có thể dễ dàng thuê xe bất cứ lúc nào. Một số địa chỉ tham khảo:
Nhà nghỉ:
An Phú:
Địa chỉ: 74-76 Nguyễn Tri Phương, Phú Quý, Bình Thuận
Giá: Từ hơn 150.000 – 250.000 VNĐ/phòng/đêm/2 người. 
Nam An:
Địa chỉ: đường Tam Thanh, đảo Phú Quý, Bình Thuận
Giá: từ 150.000 – 200.000 VNĐ/phòng/đêm
Chấn:
Địa chỉ: đường Trần Hưng Đạo, Phú Quý, Bình Thuận
Giá : 250.000 VNĐ/đêm
Homestay: Cô Sang, Khô Mây, Phú Quý.
homestay phú quý
Lưu trú tại Phú Quý cũng khá rẻ và chất lượng.

LƯU Ý THAM QUAN ĐẢO PHÚ QUÝ

 
  • Trước khi đi tham quan nên đặt chỗ vé tàu, chỗ lưu trú trước để tránh hiện tượng hết vé, hết chỗ, nhất là vào các dịp lễ tết.
  • Tham khảo thời tiết trước khi lên kế hoạch tham quan, vì những lúc biển động hay thời tiết xấu thì tàu không thể khởi hành. Theo Tín Việt Travel gợi ý thì bạn nên đi trong khoảng thời gian từ tháng 12 - tháng 6 năm sau.
  • Mặc dù cách khá xa so với đất liền nhưng các nhu yếu phẩm trên đảo đều đầy đủ và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nên bạn không cần phải "tay nách xách mang" quá nhiều thứ khi ra đảo đâu nhé.
Hy vọng qua "bí kíp" này sẽ giúp bạn có được những kinh nghiệm quý báu nhất trước khi khăn gói lên đường đến với mảnh đất xinh đẹp Phú Quý. Hẹn gặp lại trong những địa điểm du lịch Bình Thuận tiếp theo nhé. See Ya!

Tác giả bài viết: JQ

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Tour
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây