Tín Việt Travel – Chuyên tổ chức các tour du lịch chất lượng, uy tín và chuyên nghiệp.

https://tinviettravel.com


Cổ Thạch có gì mà níu chân du khách đến vậy?

Cổ Thạch là địa điểm du lịch mới nổi của tỉnh Bình Thuận bao gồm bãi biển Cổ Thạch, bãi đá bảy màu và ngôi Chùa Hang cổ. Một nơi không chỉ dành cho khách du lịch mà còn hút hồn giới photographer với những tảng đá phủ đầy rêu xanh.

VÀI NÉT VỀ KHU DU LỊCH CỔ THẠCH

 

ĐỊA CHỈ CỔ THẠCH

Nằm cách không xa Phan Thiết khoảng 90km, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, biển Cổ Thạch là quần thể du lịch độc đáo và đẹp mắt bao gồm Chùa Cổ Thạch, Bãi biển Cổ Thạch và bãi đá bảy màu. Nhắc đến Cổ Thạch không phải là bức tranh với biển xanh cát trắng như tưởng tượng mà là bãi đá với nhiều hình thù khác nhau và nhiều sắc màu. Không những vậy, vào những tháng đầu năm, những bãi đá được khoác lên "tấm áo" rong rêu đầy tính nghệ thuật, tạo nên cảnh quan vô cùng tuyệt vời cho khách tham quan.
khu du lịch cổ thạch
Cổng vào khu du lịch Cổ Thạch.

ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CỔ THẠCH

Rất dễ dàng để bạn tìm đường đến với Cổ Thạch, từ thành phố du lịch Phan Thiết du khách đi dọc theo quốc lộ 1A hướng ra thị trấn Phan Rí Cửa, tới vòng xoay ngã ba Phan Rí Cửa thì rẽ phải vào đường Thống Nhất, đi tiếp cho đến khi gặp ngã tư Thống Nhất rẽ trái vào đường Nguyễn Văn Trỗi. Từ đây bạn đi thẳng một mạch qua các tuyến Nguyễn Văn Trỗi - Lý Thường Kiệt - DT716. Đến ngã ba Chí Công tiếp tục rẽ phải, đi thêm khoảng 200m rồi rẽ trái tại UBND xã Chí Công. Cứ thế đi thẳng men theo con đường ven biển cho tới khi gặp được khu du lịch Cổ Thạch.
du lịch cổ thạch
Một góc Cổ Thạch.

NÊN ĐI CỔ THẠCH VÀO THỜI GIAN NÀO?

Cũng như các địa điểm du lịch Bình Thuận khác, Cổ Thạch thuận tiện để tham quan quanh năm bởi thời tiết đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên để chuyến đi được thuận lợi và có thể chiêm ngưỡng được đầy đủ vẻ đẹp của Cổ Thạch thì bạn nên đi vào tháng ba. Theo kinh nghiệm của các nhiếp ảnh gia cũng như các phượt thủ lâu năm chia sẻ, thời điểm tháng ba sẽ là lúc rêu phong vào thời kỳ nở rộ nhất trên các bãi đá, phủ một màu xanh thẫm trên các tảng đá và khi nắng lên sẽ ngả sang màu vàng xanh nhìn rất cuốn hút. Đây cũng là thời điểm để săn những bức ảnh nghệ thuật tại một địa điểm hiếm có khó tìm như ở khu du lịch Cổ Thạch.
bãi đá bảy màu
Tháng 3 là thời gian thích hợp để tham quan Cổ Thạch.
Thêm vào đó, một thời điểm khác mà Tín Việt Travel cũng khuyên du khách không nên đi đó là vào tháng 7 và tháng 8. Bởi lúc này biển động rất mạnh không thích hợp để tắm biển, chưa kể xuất hiện một số loài sứa khiến nước biển không còn trong xanh, đồng thời cũng là lúc kết thúc mùa rêu để chuyển sang chu kỳ sinh sôi mới.

QUẦN THỂ DU LỊCH HẤP DẪN

 
Cổ Thạch là địa điểm vẫn còn rất mới và chưa được khai thác du lịch nhiều. Chính vì thế mà những thắng cảnh ở đây vẫn giữ được cho mình sự hoang sơ, yên bình và một vẻ đẹp bình dị khác hẳn với những khu đông đúc khác như Mũi Né, Lagi hay Phan Thiết. Dưới đây là một số địa chỉ du lịch mà bạn ắt hẳn sẽ cần note lại trong danh sách những nơi cần đến của mình:
 

BÃI BIỂN CỔ THẠCH

Điểm đầu tiên chúng ta sẽ đặt chân đó chính là bãi biển Cổ Thạch. Như đã nói ở trên, bãi biển Cổ Thạch có diện tích rất nhỏ, chưa kể thường bị chia cắt và xen lẫn bởi những bãi đá nhỏ. Vì thế tắm biển ở đây không phải là một gợi ý hay, nhưng điểm nhấn chính của nó là khung cảnh vô cùng ngoạn mục mỗi buổi sáng sớm bình minh. Lúc mặt trời bắt đầu ló rạng cũng là lúc mặt biển lấp lánh bởi những luồng ánh sáng dịu nhẹ, xen lẫn là tiếng sóng vỗ rì rào và tiếng gió thổi phập phồng. Với những ai phiền muộn lo lắng bởi cuộc sống xô bồ thì đây là điểm đến lý tưởng để "trốn đời" trong một cảnh vật hết sức yên tĩnh và hoang sơ.
bãi biển cổ thạch
Bãi biển Cổ Thạch.

BÃI ĐÁ BẢY MÀU

Bãi đá bảy màu cũng là điểm nhấn chính ở Cổ Thạch. Trải qua hàng triệu năm cấu tạo địa chất cũng như sự bào mòn của nước, những tảng đá bị vỡ vụn, được "mài dũa" trở nên những viên đá nhỏ xinh đủ mọi loại màu sắc. Dưới ánh sáng mặt trời, những hòn đá tựa như một chiếc gương nhỏ hắt lại ánh sáng càng khiến cho bãi đá thêm lung linh. Nhiều người còn ví von nói vui rằng, bãi đá lấp lánh trông không khác gì kho báu được giấu ở Cổ Thạch.
Chưa hết, cái đẹp nhất không chỉ nằm ở những viên đá nhỏ mà là ở những tảng đá lớn được khoác lên màu áo xanh rêu vô cùng đẹp mắt. Nếu bãi biển không đủ hấp dẫn thì bãi đá phủ đầy rêu lại vô cùng thu hút các bạn trẻ đến tham quan, chiêm ngắm và thể hiện trình độ "sống ảo" của mình trong khung cảnh đầy huyền ảo như vậy.
Bài viết hay: Tháp Chàm Poshanư - vẻ đẹp ngàn năm còn vọng lại
du lịch phan thiết
Bãi đá Bảy Màu.
 

CHÙA HANG CỔ

Là công trình tôn giáo có tuổi đời hơn trăm năm tại miền biển Bình Thạnh, Chùa Hang Cổ hay Cổ Thạch Tự được xây dựng từ những năm 1835 - 1836, lúc vị thiền sư có tên Bảo Tạng dừng chân tại mảnh đất này để tu tịnh và khai lập nên ngôi chùa và làm trụ trì hơn 5 năm, sau đó giao lại cho các đệ tử, còn mình thì nam tiến đến khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Từ một cái am nhỏ ban đầu, trải qua hơn 180 năm chùa không ngừng được mở rộng về quy mô và trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở khu vực.
cổ thạch tự
Cổ Thạch Tự.
Khuôn viên chính của chùa Cổ Thạch được thiết kế theo lối kiến Trúc cổ xưa từ cổng Tam Quan đến Ngọ Môn, có lầu Chuông và gác Trống, chánh điện chùa thờ Phật Tổ,.. tất cả đều được chạm trổ và điêu khắc một cách tinh tế. Mái chùa hiện lên ngay giữa rừng núi mênh mông là hình tượng tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”. Đặc biệt các ngôi chùa thường được xây dựng dựa trên hình thái tự nhiên của các hang động hay khe hẹp giữa hai vách đá tạo nên sự hài hòa với thiên nhiên và cũng là nét độc đáo của các ngôi chùa ở đây.
 

LĂNG ÔNG NAM HẢI

Nếu ở Phan Thiết có Đình Vạn Thủy Tú thì ở Tuy Phong cũng có một nơi chuyên thờ các "Cá Ông" đó chính là Lăng Ông Nam Hải, là lăng cá Ông xuất hiện thuộc hàng sớm trên đất Bình Thuận. Lăng Ông Nam Hải cách bãi biển Cổ Thạch chừng 1km, được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng từ 1820 - 1840. Nơi đây được cho là còn lưu giữ bộ xương cá Voi lớn nhất Đông Nam Á ( theo ước lượng từ những mảnh xương còn sót lại) có kích thước lên đến 25m chiều dài, hơn cả bộ xương cá Voi tại Vạn Thủy Tú (dài 22m). Nhưng thực tế bộ xương cũng đã mất đi nhiều chi tiết, và các đốt xương thì được xếp chồng lên nhau và bỏ trong tủ kính chứ không được trưng bày ra. Hiện nay cơ sở đo đạc vẫn chưa có nên bộ xương ở Vạn Thủy Tú vẫn được xem là dài nhất ở Đông Nam Á.
Đến Lăng chúng ta sẽ được lắng nghe những chia sẻ thú vị về tín ngưỡng, về đời sống miền biển cũng như tận mục xem bộ xương cá voi khổng lồ.
lăng ông nam hải
Lăng Ông Nam Hải nằm dưới ngọn đồi cát nên dễ bị bồi lấp..

ĐỘC ĐÁO MÙA "SĂN RÊU"


Mùa săn rêu là thuật ngữ của dân phượt và các nhiếp ảnh gia khi nói về cảnh đẹp rêu phong ở Cổ Thạch. Vào mùa rêu lên khoảng tháng 3, toàn bộ bãi đá ngập chìm trong sắc xanh của rêu. Để có những bức ảnh đẹp, các photographer phải dậy từ rất sớm để canh khoảng thời gian lúc mặt trời chỉ vừa mới chớm nắng không quá gay gắt, hoặc là lúc hoàng hôn, ánh sáng cũng yếu dần sẽ chụp được những bức ảnh thật ngoạn mục. Một khó khăn nữa là họ phải căn được lúc thủy triều lên xuống bởi vì nếu nước rút quá nhanh rêu sẽ không được mượt, xanh tươi. Còn nếu thủy triều lên sẽ khiến bãi đá ngập nước và không thể tác nghiệp được.
cổ thạch
Sản phẩm của Mùa "Săn Rêu".
Rêu thường xuất hiện nhiều tại các ghềnh đá, nước thường rất trong, ở những nơi sóng vỗ sâu, rêu mang màu xanh thẫm và mọc dày hơn. Rêu ở những bãi đá bằng phẳng thì có màu xanh lá nhạt và thưa thớt hơn. Vào mùa khô biển động, ít người tham quan, đây cũng là khoảng thời gian rêu phát triển.
Thêm một kinh nghiệm nữa là do địa hình có nhiều bãi đá, đồng thời đất liền vươn ra về phía đông nhiều hơn nên có thể đón nắng sớm, vì thế rêu ở Cổ Thạch cũng đẹp hơn và mọc sớm hơn so với những vùng biển khác.
thời gian đi cổ thạch
Những bãi đá phủ đầy rêu phong.

NHỮNG LƯU Ý KHI THAM QUAN

  • Rêu thường mọc ở những bãi đá gồ ghề khó di chuyển, đồng thời cũng rất dễ trơn trượt nên du khách cẩn thận khi bước lên đó.
  • Cắm trại có thể là một ý tưởng hay nhưng điều đó không thích hợp lắm như ở Cổ Thạch bởi vì thủy triều khá phức tạp, có lúc lên rất cao nhưng có lúc lại xuống rất thấp một cách đột ngột.
  • Chọn lựa đúng thời điểm để chụp hình, nếu muốn có bức ảnh đẹp thì nên lên kế hoạch và thời gian chụp cũng như tham khảo học hỏi kinh nghiệm của các nhiếp ảnh gia khác.
  • Để giữ gìn hình ảnh của khu du lịch Cổ Thạch thì một điều cần lưu ý là chúng ta khi tham quan nên tránh vứt rác bừa bãi, trả lại sự trong sạch cho biển cả như lúc ban đầu.
Du lịch Cổ Thạch không chỉ đem lại cho chúng ta những trải nghiệm thú vị trên mỗi chặng hành trình nhưng còn là để chúng ta cảm nhận và lắng đọng tâm hồn sau những chuỗi ngày mệt mỏi. Mong bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm bổ ích cho mình trong bài viết cẩm nang du lịch Cổ Thạch này.

Tác giả bài viết: JQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây